Giỏ hàng

Dung lượng thực tế của pin điện thoại so với ý nghĩa được ghi bằng mAh

Smartphone ngày nay đa phần đều hoàn toàn có thể sử dụng trọn vẹn trong một ngày, và đêm thì cắm sạc. Khi mua điện thoại, thường để đánh giá sơ bộ xem điện thoại này có thể sử dụng lâu hay không? Con số “dung lượng pin” mAh sẽ là thứ chúng ta nhìn đến. Nhưng có thật sự chỉ nhìn vào con số này rồi so sánh với nhau để biết chiếc smartphone nào sử dụng lâu hơn không? Có phải là những chiếc có dung lượng pin 4000mAh sẽ sử dụng qua được ngày thứ hai? Hay những chiếc điện thoại tí hon như Pixel 3a hoặc iPhone SE sẽ sống làm sao với dung lượng pin chỉ suýt soát 2000mAh?

Thời lượng pin (Battery life) là một bức tranh phức tạp hơn nhiều, với sự tổng hoà giữa phần cứng và phần mềm. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem, con số dung lượng pin mAh có thật sự cho ta biết thời lượng sử dụng sẽ như thế nào hay không nhé?

Ý nghĩa của dung lượng mAh ghi trên một viên pin là gì?

mAh là viết tắt của milliampere giờ, đây là một đơn vị điện tích tương đương với việc cung cấp một milliamp dòng điện liên tục trong một giờ. Nghĩa là viên pin 1mAh có thể cung cấp dòng điện 1mA trong một giờ, viên pin 1000mAh có thể cung cấp dòng điện 1mA trong 1000 giờ, lý thuyết là vậy.

Tuy nhiên viên pin 1000mAh cung cấp 2mA sẽ chỉ kéo dài trong 500 giờ, tất nhiên smartphone không thể sử dụng hàng trăm hay hàng nghìn giờ, vì chúng dùng nhiều hơn 1mA dòng điện từ pin, càng dùng nhiều mA thì thời gian sử dụng càng ngắn.


Nếu thông số giống nhau hết, vậy chiếc điện thoại có dung lượng pin lớn hơn sẽ dùng được lâu hơn. Tuy nhiên điều này hiếm khi xảy ra, vì các thành phần phần cứng trong các điện thoại khác nhau thường sẽ khác nhau, và sẽ có những mức tiêu thụ điện năng cũng khác nhau.

Phần cứng và phần mềm trong mỗi chiếc smartphone thường là độc nhất, nghĩa là hiếm khi có 2 chiếc smartphone nào phần cứng giống nhau mà chỉ khác dung lượng pin. Đó là lý do tại sao con số mAh không thực sự cho ta cái nhìn chính xác về thời lượng pin dự kiến.

Sức mạnh thực tế của một viên pin điện thoại.

Trang Android Authority đã thực hiện một bài test để kiểm chứng điều này. Họ dùng những chiếc điện thoại khác nhau, với các thông số phần cứng và dung lượng pin khác nhau, chạy chung một bài test benchmark nội bộ có tên là Speed Test G, sau đó ghi nhận lại thời gian từng chiếc hết pin.

Speed Test G là một bài Stress test, kéo hết sức mạnh của phần cứng. Và đây là kết quả, xếp theo dung lượng pin tăng dần.


Thực tế ở đây là gì? Dung lượng pin thì sắp xếp tăng dần, nhưng thời gian chạy bài test thì hoàn toàn không có thứ tự nào.

  • Những chiếc smartphone có dung lượng pin khổng lồ như 5000mAh của S20 Ultra, 6000mAh của Asus ROG Phone 2 đều nằm trong top đầu, cũng hợp lý với dung lượng pin của chúng. Nhưng chiếc Pixel 3a XL mới là nhà vô địch ở đây, dung lượng pin của nó chỉ 3700mAh
  • Tương tự như vậy, Pixel 4 XL xuýt soát ngang bằng với Zenfone 6, dung lượng pin lần lượt là 3700 và 5000mAh.

===> 2 kết quả này cho thấy, chỉ dung lượng pin không thì không thể đảm bảo thời lượng sử dụng là ngắn hay dài.

Một điểm chung trong là có rất nhiều chiếc smartphone có thời lượng sử dụng trong khoảng 3h30 đến 4h trong bài stress test này. Pixel 4 với 2800mAh, S20 Exynos với 4000mAh và OnePlus 8 Pro với 4510mAh chỉ suýt soát nhau một vài phút.

===> Rõ ràng rằng, thông số phần cứng và chức năng phần mềm khác biệt sử dụng pin theo những cách rất khác nhau. Nhưng chính xác những khác biệt đó là gì?

Thời gian thực sự của một viên pin.

Viên pin cấp nguồn cho tất cả phần cứng trong điện thoại, bộ vi xử lý, màn hình, RAM… Vì vậy các thành phần phần cứng khác nhau sẽ dùng các mức năng lượng khác nhau. Ví dụ, con chip tầm trung sẽ dùng ít năng lượng hơn chip flagship hay nói cách khác chạy nhanh hơn thì cần nhiều năng lượng hơn.

Tuy nhiên từ bài benchmark cho thấy, giữa các flagship đầu bảng cũng sẽ có các mức tiêu thụ năng lượng khác nhau, như 2 biến thể Exynos và Snapdragon của Galaxy S20. Các nhà sản xuất cũng có thể ép hoặc hạ xung nhịp của chip hoặc điều chỉnh sự luận chuyển của các cụm nhân CPU để đạt được mức hiệu năng và tiêu thụ năng lượng như mong muốn.

Dùng thêm các thành phần phần cứng cũng sẽ tiêu hao năng lượng nhiều hơn. Điển hình là Pixel 4 với cụm cảm biến Soli, cảm biến ToF, loa stereo mạnh mẽ hơn và màn hình QHD, tất cả đều sẽ ảnh hưởng đến thời lượng pin. Hoặc một thứ nhỏ như cây bút S Pen trên Galaxy Note cũng sẽ sử dụng thêm năng lượng từ pin.


Màn hình tần số quét cao cũng góp phần làm giảm thời lượng sử dụng thiết bị. S20 có màn hình hỗ trợ tần số quét 120Hz, nhưng chỉ đặt mặc định 60Hz khi mở hộp và người dùng phải tự chỉnh. Pixel 4 có màn hình 90Hz nhưng với các mức độ sáng khác nhau sẽ tự động điều chỉnh giữa 60Hz và 90Hz để tiết kiệm pin. Tần số quét cao, màn hình và bộ xử lý càng dùng nhiều năng lượng.

OnePlus 8 có màn hình 90Hz và viên pin 4300mAh có thời lượng sử dụng tốt hơn phiên bản Pro có màn hình 120Hz và viên pin 4510mAh. 2 máy này có thông số gần như tương đồng, nhưng màn hình và tần số quét đã làm thời lượng sử dụng khác nhau.

5G cũng ảnh hưởng rất nhiều. Modem 5G và các bộ phần vô tuyến sẽ dùng nhiều năng lượng hơn thế hệ 4G. Các con chip tầm trung như Exynos 980 và Snapdragon 765G với modem 5G tích hợp trong SOC, sẽ dùng ít năng lượng hơn các chip có modem 5G nằm rời như Snapdragon 865. Đó có thể cũng là một phần lý do để LG Velvet và có thể là Pixel 5 chuyển sang dùng 765G thay vì 865 như mọi năm.


Các smartphone này có những tính năng đặc biệt, độc nhất nhưng chúng cũng đi kèm với một cái giá.

Phần mềm cũng có thể gây ảnh hưởng tương tự phần cứng, ví dụ như EMUI của Huawei sẽ giới hạn các ứng dụng chạy ngầm “gắt” hơn so với Samsung One UI, nên thời lượng pin cũng sẽ khác nhau.


Vậy sau tất cả, bài benchmark đã cho chúng ta thấy một bức tranh lớn hơn. Các nhà sản xuất phải tự cân bằng giữa giá, khoảng trống trong thiết bị và các phần cứng trang bị để điều chỉnh phần mềm cho phù hợp. Càng nhiều tính năng, thì sự cân bằng phải điều chỉnh nhiều hơn.

Thời lượng pin là một câu đố phức tạp hơn nhiều thay vì chỉ là con số dung lượng đơn giản.

Theo internet

Facebook Instagram Youtube Top