Smartphone Android nên học hỏi 5 tính năng sau của iPhone
Những năm gần đây, cả hai hệ điều hành iOS và Android đều học hỏi tính năng lẫn nhau và có nhiều điểm chung hơn so với thời điểm 10 năm trước. Hệ điều hành dành cho smartphone từ Google lẫn Apple đều hướng đến sự đơn giản, ổn định và tập trung vào các ứng dụng, dịch vụ.
Tuy nhiên, vẫn có những tính năng mà người dùng Android mong rằng hệ điều hành này sẽ học hỏi từ đối thủ iOS để hoàn thiện hơn. Dưới đây là 5 tính năng các smartphone Android nên học hỏi từ iOS, chúng ta cùng bài viết tìm hiểu nhé.
1. Focus mode
Chế độ Focus trên điện thoại iPhone thực chất chính là chế độ Do Not Disturb trước đây, nhưng được cải tiến phù hợp với nhiều tình huống sử dụng thông minh hơn. Người dùng có thể tạo nhanh các profile khi đọc sách, tập thể thao, đang làm việc ở văn phòng, đang ở nhà,…
Tuỳ vào mỗi tình huống người dùng sẽ quyết định các ứng dụng nào được phép thông báo trong chế độ Focus. Hệ điều hành Android cũng có tính năng Do Not Disturb nhưng chưa đa dạng về các profile cho từng trường hợp cụ thể như iOS hiện nay.
2. Shortcut
Shortcut xuất hiện trên điện thoại iPhone kể từ phiên bản iOS 12, ứng dụng này sẽ giúp người dùng thực hiện một chuỗi hoạt động tự động hoá hoàn toàn trên điện thoại vô cùng tiện lợi. Ví dụ chỉ với một nút nhấn bạn có thể thực hiện lần lượt việc mở đèn từ xa, mở cửa và bật nhạc mà không cần thực hiện các bước rườm rà.
Các ứng dụng bên thứ ba cũng hỗ trợ tính năng tương tự trên hệ điều hành Android, tuy nhiên việc tích hợp tính năng Shortcut vào thẳng hệ điều hành vẫn tiện lợi hơn rất nhiều.
3. FaceID
Kể từ khi xuất hiện lần đầu trên chiếc iPhone X, FaceID vẫn không hề có đối thủ trên thị trường, đa phần các smartphone Android sẽ chọn các giải pháp khác như vân tay, vân tay dưới màn hình, quét võng mạc, tuy nhiên độ chính xác và linh hoạt như FaceID thì chưa có một hãng sản xuất nào làm được.
LG cũng từng thử nghiệm tính năng FaceID trên chiếc LG G8 của hãng rất mượt mà, tuy nhiên việc phân mảnh của Android và không có hỗ trợ từ Google cho thấy còn rất lâu người dùng Android mới có được trải nghiệm độc đáo như FaceID trên điện thoại iPhone.
4. Spotlight
Giống với Spotlight nổi tiếng trên MacOS, Spotlight trên điện thoại iPhone hỗ trợ người dùng tìm kiếm toàn hệ thống (universal search) một cách chi tiết nhất, từ danh bạ, tin nhắn, mail, ứng dụng hay thậm chí là nội dung bên trong ứng dụng đó.
Thật khó hiểu khi Google là gã khổng lồ tìm kiếm nhưng tính năng search toàn hệ thống của Android đến nay vẫn hoạt động khá chậm chạp, lề mề và Google thường ưu tiên hiển thị kết quả web trước thay vì các nội dung đang sẵn có trên điện thoại người dùng.
5. iMessage và Facetime
Google đã thử nghiệm rất nhiều nền tảng chat khác nhau cho Android, từ Google Duo, Google Hangouts đến Google Allo, Meet…Tuy nhiên vẫn chưa có một ứng dụng nào dành cho smartphone Android tích hợp sẵn tốt như iMessage và FaceTime.
Trong khi người dùng iPhone có thể dễ dàng nhắn tin, gởi file qua iMessage và video call chất lượng cao với nhau bằng FaceTime thì thế giới Android vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các ứng dụng OTT bên thứ ba như Zalo, LINE, Telegram, Viber…
6. Lời kết
Android ngày càng ổn định hơn, mượt mà hơn không thua kém khi so sánh với hệ điều hành iOS từ đối thủ Apple, tuy nhiên Google có lẽ phải mất thêm một thời gian dài nữa để thuyết phục người dùng.
Nguồn: Tổng hợp